Tiểu Kinh Khổ Uẩn
Kinh này đức Phật nói cho một một vị thuộc giòng họ Thích Ca (Sakka), tại vườn Ni Câu Luật (Nigrodha)thuộc thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu) Kinh thuộc loại nhân duyên thuyết.
Hôm ấy đức Phật và chúng Tăng đang cư trú tại vườn Ni Câu Luật, một vị thuộc giòng họ Thích Ca đến thăm và thưa như sau : “Từ lâu rồi con hiểu lời dạy của Thế Tôn rất rành rẽ; con hiểu rằng tham lam, sân hận, si mê là cấu uế của tâm. Thế nhưng, bạch Thế Tôn, nhiều lúc tham pháp, sân pháp và si pháp không những đến mà còn chiếm cứ và an trú trong tâm con. Từ đó con suy nghĩ, chắc phải có một pháp nào đó trong con chưa được tiêu diệt, chưa được đoạn trừ, nên các tham, sân, si pháp mới có thể chiếm cứ và an trú tâm con ?!”
Đức Phật dạy, đúng vậy Mahànàma (tên người vấn đạo), trong ngươi còn một pháp chưa được tiêu diệt, chưa được đoạn trừ nên tham pháp, sân pháp và si pháp luôn đến chiếm cứ và an trú tâm ngươi. Pháp đó là dục vọng. Này Mahànàma, các dục vọng hương vị thì ít mà khổ não thì nhiều. Sự nguy hiểm của các dục vọng lại càng nhiều hơn. Chừng nào vị thánh đệ tử học hỏi, quán sát thấy được điều đó mà chưa thực sự xả ly, thì chừng ấy tham, sân, si vẫn còn nguyên vẹn. Cho đến khi nào vị thánh đệ tử như thật quán sát : các dục vọng hương vị ít, khổ não nhiều; sự nguy hiểm lại càng nhiều hơn và thực sự xả ly, chứng nhập an lạc qua sự xả ly, thì lúc bấy giờ vị ấy mới không còn bị chi phối bởi ác pháp và không còn bị tham, sân, si pháp chiếm cứ và an trú nơi tâm.
Đức Phật kể lại kinh nghiệm bản thân lúc Ngài còn tu nhân: “Thuở xưa, khi ta còn là một vị Bồ Tát, chưa chứng Bồ Đề, chưa thành Chánh Giác, bằng sự như thật quán sát Ta thấy được rằng, các dục vọng vị ít, khổ nhiều, não nhiều. Sự nguy hiểm ở đây lại càng nhiều hơn. Dầu ta thấy rõ như vậy, nhưng Ta chưa thực chứng được sự hỷ lạc do ly dục sanh, hay chứng bất cứ một pháp cao thượng nào khác, nên Ta vẫn bị các dục vọng chi phối”.
Tiếp theo đức Phật kể 5 pháp làm tăng trưởng dục vọng qua 6 căn tiếp xúc với 6 trần, Mắt tiếp xúc với sắc, tai tiếp xúc với tiếng, mũi tiếp xúc với mùi, lưỡi tiếp xúc với vị, thân tiếp xúc với vật (và nóng lạnh), ý tiếp xúc với pháp có sự khả ái, khả lạc, khả ý, khả hỷ, tương ưng với ái nhiễm thì dục vọng tăng trưởng.
Phần còn lại của kinh, đức Phật kể một số những phương pháp tu khổ hạnh của giáo phái Ni Kiền Tử (Niganthà) lúc bấy giờ, với ý hướng mong diệt trừ khổ não và dục vọng. Điều này gián tiếp cho chúng ta thấy khổ hạnh không thể tận diệt khổ đau và dục vọng, mà có thể gây thên đau khổ và dục vọng nhiều hơn.
(Hương vị của dục vọng, sự nguy hiểm của dục vọng, sự xuất ly khỏi dục vọng...xin xem lại kinh Đại Khổ Aám số 13)
Xin tham khảo :
Việt tạng : Trung bộ kinh I, Tiểu kinh khổ uẩn, tr. 209.
Hán tạng : ĐC I, Trung A Hàm, Khổ ấm kinh, tr. 586/giữa.
Anh tạng : Middle length sayings I, Lesser Discourse on the Stems of
Anguish, tr. 119.
Pàli tạng : Majjhima Nikàya, Cùladukkhakkhanda Sutta, kinh 14.