Mẫu đơn thờ linh cốt

Công Đức Dựng Tôn Tương QÂ







 

Các pháp thoại của Sư Ông trên kênh youtube

Các video pháp thoại hang tuan của Sư Ông

Trang Nhà > Tu Học > Kinh Văn

Kinh Tâm Hoang Vu

Kinh này đức Phật nói tại tu viện Cấp Cô Độc, thành xá Vệ. Kinh thuộc loại vô vấn tự thuyết. Ngài dạy, vị Tỳ Kheo nào chưa đoạn trừ được 5 tâm hoang vu và 5 tâm triền phược sau đây thì không thể nào có sự lớn mạnh, trưởng thành, hưng thịnh trong pháp luật của Ngài.

I- 5 tâm hoang vu ấy là :
1- Có tâm nghi ngờ bậc đạo sư (Phật)
2- Có tâm nghi ngờ về giáo Pháp
3- Có tâm nghi ngờ về Tăng đoàn
4- Có tâm nghi ngờ về các học pháp
5- Có tâm phẫn nộ đối với một vị đồng tu
Do vì có các tâm trên nên tâm hay sanh do dự , không nỗ lực, không chuyên cần, không kiên trì, không có sự quyết đoán, không có được sự thỏa mãn an lạc.

II- 5 tâm triền phược đó là :
1- Tham ái, mong cầu, khao khát với các dục vọng
2- Tham ái, say đắm với sắc thân mình (nội sắc)
3- Tham ái, say đắm với các sắc pháp (ngoại sắc)
4- Tham ái, say đắm với các sự ăn uống, sàng tọa, ngủ nghỉ...
5- Sống phạm hạnh nhưng lại mong cầu được sanh về thiên giới

Sau cùng đức Phật dạy tu tập tứ thần túc để thực hiện 5 loại thiền định.
Tứ thần túc là :
1) Dục thần túc, là loại thần túc phát ra từ định lực do sự mong ước thiết tha. Dục ở đây có nghĩa là sự mong ước thiết tha.
2) Cần thần túc, là loại thần túc phát ra từ định lực do sự tinh cần tu tập.
3) Tâm thần túc, là loại thần túc phát ra từ định lực do sự chuyên nhất của tâm.
4) Quán thần túc, là loại thần túc phát ra từ định lực do sức quán chiếu.

 

5 loại thiền định :
1) Dục thiền định, kết quả của việc tu tập dục thần túc.
2) Tâm thiền định, kết quả của việc tu tập tâm thần túc.
3) Tinh tấn thiền định, kết quả của việc tu tập cần thần túc.
4) Tư duy thiền định, kết quả của việc tu tập quán thần túc.
5) Tinh cần thiền định, loại thiền định hiện hữu trong mọi thời, mọi cử chỉ, mọi động tác mà không hề có sự dụng tâm. (Kinh hay xưng tán đức Phật là thường trụ đại định là loại thiền định này).

Đức Phật kết luận : nếu một vị Tỳ Kheo nào đạt được 15 loại (5 tâm không hoang vu, 5 tâm không triền phược, 5 loại thiền định) kết quả trên, thì nhất định vị ấy đã đập vỡ vô minh, phá tan phiền não, thành tựu tuệ giác và đạt được tối thượng an ổn hạnh phúc, tức Niết Bàn.

Kết luận bài kinh bằng một thí dụ gà mái ấp trứng đúng cách, nhất định gà con phải nở và bước ra khỏi vỏ mà không hề có mảy may ý niệm mong cầu.

Xin tham khảo :
Việt tạng : Trung bộ kinh I, Kinh tâm hoang vu, tr. 231
Hán tạng : ĐCI, Tâm uế kinh, tr. 780/giữa
Anh tạng : Middle length sayings I, Discourse on Mental Barrenness, tr.132
Pàli tạng :  Cetokhila Sutta, kinh thứ 16