Kinh Pháp Tự
Kinh được đức Phật nói vắn tắt và ngài Xá Lợi Phất giảng gải rộng tại Tu Viện Cấp Cô Độc, Xá Vệ (Savatthi). Kinh thuộc loại vô vấn tự thuyết.
Phần đầu của kinh, đức Phật căn dặn các vị đệ tử có mặt hôm đó một điều duy nhất : “Này các Tỳ Kheo, hãy là những kẻ thừa tự Pháp của Ta, đừng bao giờ là những kẻ thừa tự tài vật.” Đức Phật nói tiếp : “Nếu không được như vậy, thời không những các thầy mà ngay cả Ta nữa cũng trở thành những người chỉ biết thừa tự tài vật mà không phải là những kẻ biết thừa tự Pháp.” Đức Phật chỉ nói vắn tắt có thế rồi Ngài đi nghỉ. Ngài Xá Lợi Phất đã thay Phật giảng giải thế nào là thừa tự Pháp và thế nào là thừa tự tài vật như sau :
1- Có 3 trường hợp mà một vị đệ tử của đức Như Lai được gọi là chỉ biết thừa tự tài vật mà không biết thừa tự Pháp :
a) Trường hợp thứ nhất là vị đạo sư sống viễn ly, nhưng các đệ tử lại không tùy học hạnh viễn ly của bậc đạo sư.
b) Trường hợp thứ hai là có những ác pháp, bất thiện pháp vị đạo sư dạy nên từ bỏ, nhưng các vị đệ tử lại không từ bỏ.
c) Trường hợp thứ ba là các vị đệ tử không noi theo hạnh thiểu dục tri túc của bậc đạo sư, mà lại có một cuộc sống phóng túng, lười biếng để đưa đến đọa lạc khổ đau.
2- Tương tự như vậy, có 3 trường hợp đáng được tán thán và được xem là vị đệ tử biết thừa tự Pháp mà không thừa tự tài vật :
a) Vị đệ tử khéo léo học theo hạnh viễn ly của bậc đạo sư mà không cần ai nhắc nhở.
b) Những ác pháp, bất thiện pháp nào vị đạo sư dạy nên từ bỏ, vị đệ tử quyết tâm từ bỏ.
c) Vị đệ tử tự thúc liễm thân tâm, không sống phóng túng, không sống lười biếng, không hướng về đọa lạc và dẫn đầu về cuộc sống viễn ly.
Phần cuối của kinh, ngài Xá Lợi Phất nhấn mạnh : Viễn ly cái gì ? Đó là sự viễn ly sanah tử để thể nhập Niết Bàn vô sanh.
Từ bỏ pháp gì ? Đó là sự từ bỏ các ác pháp.
Pháp nào là ác pháp ? Đó là : tham, sân, phẫn nộ, hờn hận, giả dối, não hại, tật đố, xan lẫn, man trá, phản bội, ngoan cố, bồng bột, tự cao, tà kiến, phóng dật...
Phương pháp nào giúp để trừ diệt các ác pháp này ? Đó là Bát Chánh Đạo : Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định.
Tám phương pháp này giúp tiêu diệt các ác, bất thiện pháp và khiến phát sanh tịnh nhãn, chân trí, thượng trí, giác ngộ và an lạc Niết Bàn.
Xin tham khảo :
* Việt tạng : Trung Bộ Kinh I, Kinh Pháp Tự, tr. 31
Trung A Hàm II, Kinh Cầu Pháp, tr. 467
* Hán tạng : CĐ I, Trung A Hàm, Cầu Pháp Kinh, tr. 569/dưới
* Anh tạng : Middle Length Sayings I, Discourse on Heirs of Dhamma,16
* Pàli tạng : Majjhima Nikàya, Dhammadayàda sutta, 3