Kinh niệm xứ
Kinh được đức Phật nói tại xứ Câu Lâu (Kuru), thuộc đô thị Kiềm Ma Sắt Đàm (Kammassadhamma). Kinh thuộc loại vô vấn tự thuyết.
Để nhấn mạnh tầm mức quan trọng vào bậc nhất của buổi pháp thoại này, Đức Phật mở đầu bằng câu Này các Tỳ Kheo, đây là con đường độc nhất, đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ ưu khổ, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết Bàn. Đó là Tứ Niệm Xứ.
Tứ Niệm Xứ là bốn lảnh vực quán chiếu nơi tự thân trong cuộc sống hằng ngày. Bốn lảnh vực đó là Thân thể, Cảm thọ, Tâm thức và Đối tượng của tâm thức, tức là Pháp. Gọi tắt là Thân, Thọ, Tâm, Pháp. Suốt bản kinh, từ đầu đến cuối, Đức Phật chỉ những phương pháp quán chiếu hoặc để tiêu diệt phiền não tức khắc, hoặc để đối trị những tham dục hằng ngày.
Trước hết, về lảnh vực thân thể, đước Phật dạy cách thở, cách đi, đứng, nằm, ngồi, ăn uống, giặt rửa...tức là những động tác mà chúng ta sinh hoạt hằng ngày; chỉ cần thêm vào một điều dễ dàng, nhưng vô cùng quan trọng đó là sự tỉnh thức qua các động tác đó. Thở vào, thở ra, đi tới, đi lui...mà biết rõ từng động tác một quả là một việc coi dễ mà không dễ chút nào hết. Kế tiếp, cũng về thân thể, để đối trị tham dục và ngã chấp về thân, đức Phật dạy chúng ta cách nhìn sâu vào sự duyên sanh huyễn hợp của các pháp ngay trên tấm thân này. Nhìn từ cái tóc, cái lông, chiếc răng, móng tay, làn da, thớ thịt..., tóm lại là nhìn cách cấu tạo một cách tạm thời của thân và biết nó không bền chắc lâu dài; để, thứ nhất là không tham đắm, thứ hai là gấp rút tu học cho vững chãi. Nếu nhìn như vậy mà chưa đủ để tỉnh ngộ, thì Ngài dạy cách quán chiếu một thây ma quăng trong nghĩa địa từ khi mới chết cho đến lúc sình lên rồi rã ra....
Lảnh vực cảm thọ, Ngài dạy có ba loại cảm thọ : cảm thọ khổ, cảm thọ vui, cảm thọ không khổ không vui. Có những loại cảm thọ có ra từ lảnh vực vật chất; có những loại cảm thọ xảy ra từ lảnh vực tinh thần; đồng thời cũng có những loại cảm thọ đến với chúng ta từ bên ngoài không phải từ nơi bản thân. Loại đến từ bên ngoài gọi là ngoại thọ (ruồi, muỗi, nóng, lạnh...). Loại đến từ bản thân gọi là nội thọ (đau nhức của thân, buồn bực của tâm...). Nhưng điều quan trọng là ở chỗ, bất cứ loại cảm thọ nào, đến từ đâu hành giả cần phải biết một cách rõ ràng và nhất là không bao giờ an trú trên bất cứ loại cảm thọ nào.
Về tâm thức, Ngài dạy tình trạng tâm thức của chúng ta như thế nào trong giây phút hiện tại cần phải được nhận thức rõ ràng. Ví dụ, tâm đang có tham, sân, si nổi lên thì phải biết rõ ràng để không bị chúng chi phối. Tâm tán loạn thì biết để lập tức tái lập sự định tĩnh. Tâm giải thoát thì biết để an lạc mà không mong cầu hay chấp trước...
Về pháp, tức đối tượng của tâm, thì phải biết rõ để đối trị năm triền cái : ái dục, sân hận, hôn trầm, trạo hối, nghi hoặc.
Pháp đối với năm thủ uẩn thì Ngài dạy phải thấy rõ sắc, sự tập khởi của sắc, sự đoạn diệt của sắc, phương pháp làm cho sắc đoạn diệt. Cùng một thể như vậy đối với thọ, tưởng, hành, thức.
Pháp đối với 12 xứ, tức là 6 căn và 6 trần; mắt thấy sắc, kiết sử gì nổi lên lúc ấy, cần phải biết rõ để vượt thoát ra khỏi sự chi phối của nó. Tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý phân biệt cũng quán chiếu giống như vậy.
Pháp đối với bảy giác chi : Niệm, trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, định, xả trạng thái của tâm thức ngay lúc đó như thế nào biết rõ như thế ấy.
Pháp đối với Tứ Diệu Đế : thấy rõ khổ quả, khổ nhân, khổ diệt và phương pháp diệt khổ.
Câu kết luận quan trọng mà đức Phật lập đi lập lại nhiều lần cho từng chi tiết quán sát là : Không an trú, không chấp trước bất cứ vật gì, bất cứ pháp nào trên đời này thì vị ấy mới thực sự hoàn toàn giải thoát.
Xin tham khảo :
Việt tạng : Trường bộ kinh 2, Kinh đại niệm xứ, tr. 185.
Trung bộ kinh I, Kinh niệm xứ, tr. 131.
Hán tạng : Trung A Hàm, CĐ 1, Niệm xứ kinh, tr. 582/giữa
Tăng nhất A hàm, CĐ 2, Nhất nhập đạo phẩm, tr. 567/dưới.
Anh tạng : Dialogues of the Buddha 2, Setting up of mindfulness, tr. 327
Middle length sayings I, Discourse on the Application of
mindfulness, tr. 70
Pàli tạng : Dìgha Nikàya , Mahàsatipatthàna Sutta, kinh 22
Majjhima Nikàya , Satipatthàna Sutta, kinh 10