Kinh Mật Hoàn
Kinh này đức Phật nói và ngài Ca Chiên Diên (lớn) giải thích rộng tại một khu rừng lớn trong thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu). Kinh thuộc loại vừa là nhân duyên, vừa là ví dụ. Nhân duyên vì nhân có một vị nhàn du thuộc dòng họ Thích Ca (Sakka) đặt câu hỏi về quan điểm cũng như những lời dạy của Phật đối với mọi người. Ví dụ là vì cuối bài kinh ngài A Nan đã dùng chiếc bánh mật (mật hoàn) để ví dụ cho lời dạy của đức Phật. Nếu chiếc bánh mật từ ngoài biên đến chính giữa đều ngọt dống nhau, thì giáo pháp của Phật cũng có cùng một hương vị (hương vị giải thoát) từ đầu đến cuối.
Mặc dù khởi đầu của nhân duyên pháp thoại là do một vị cư sĩ dòng Thích Ca nhàn du đặt ra, nhưng sau đó đối tượng giảng giải cặn kẻ là chư Tăng.
Hôm đó vào buổi xế trưa, đức Phật đang nghỉ trưa dưới một gốc cây trong rừng, thì có một vị dòng Thích Ca chống gậy đến và hỏi đức Phật rằng : “Quan điểm của Ngài thế nào, và sự thuyết giảng của Ngài ra sao ?” Đức Phật trả lời : “Này hiền giả, trong thế giới Thiên ma và Phạm thiên, với các Sa môn, Bà la môn, chư thiên chúng và loài người, ở đâu nếu không có sự tranh luận, thì ở đó các tưởng sẽ không bị ám ảnh. Một vị Bà la môn sống không bị các dục vọng bao vây và chi phối, không có sự nghi ngờ, do dự và mọi hối quá đều đã đoạn diệt; thì sẽ không có sự tham ái đối với Hữu và Phi Hữu. Đó là quan điểm và cũng là lời dạy của Ta.” Khi được trả lời như vậy, không biết người vấn nạn không hiểu nổi hay vì ngạo mạn mà lắc đầu, nhăn mặt rồi bỏ đi.
Đức Phật tiếp tục tĩnh tọa cho đến xế chiều rồi đến trong đại chúng thuật lại vấn đề cho đại chúng nghe. Nghe xong đại chúng muốn biết ý nghĩa của câu trả lời. Đức Phật giải thích vắn tắt : Do bất cứ nhân duyên gì mà có một số hý luận, vọng tưởng nổi lên ám ảnh một người, mà thật sự những hý luận, những vọng tưởng đó không có gì đáng hoan hỷ, đáng đón mừng, đáng chấp thủ; thì thực sự tại đó đã có sự đoạn tận các tham lam, sân hận, kiến chấp, nghi ngờ, ngã mạn, ái hữu, vô minh, chấp trượng, chấp kiếm, đấu tranh, luận tranh, vọng ngữ, ly gián ngữ...
Đức Thế Tôn chỉ nói vắn tắt có vậy rồi sau đó ngài Ca Chiên Diên giải thích rộng rãi thêm. Ngài dạy, này qyí thầy, nhân nơi mắt và các sắc pháp, nhãn thức sanh. Sự gặp gỡ của 3 pháp đó là xúc. Từ xúc sanh cảm thọ; từ cảm thọ sanh tưởng; từ tưởng có tư duy; từ tư duy có hý luận. Hý luận có gốc rễ, có nguyên nhân từ mắt hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại đưa đến sự ám ảnh một người (một chúng sanh). Chỉ khi nào, ngài kết luận, không còn mắt, không còn sắc; không còn tai, không còn tiếng; không còn mũi, không còn mùi; không còn lưỡi, không còn vị; không còn thân, khôntg còn xúc; không còn ý, không còn pháp; tóm lại là không còn 18 giới, thì không còn sự ám ảnh bởi hý luận và các vọng tưởng điên đảo.
Sau lời giải thích của ngài đại Ca Chiên Diên, đại chúng đã đi đến nhờ đức Phật kiểm chứng, và Ngài đã xác nhận : “Nếu Ta giải thích cũng chỉ giải thích như vậy”. Nhân đó ngài A Nan dùng hình ảnh một chiếc bánh mật để ví dụ
Xin tham khảo :
Việt tạng : Trung bộ kinh I, kinh Mật Hoàn, tr. 247
Hán tạng : ĐCI, Mật Hoàn Dụ Kinh, tr. 603/giữa
Anh tạng : Middle length sayings I, Discourse of the Honey Ball, tr.141
Pàli tạng : Majjhima Nikàya I, Madhupindika Sutta, kinh 18