Mẫu đơn thờ linh cốt

Công Đức Dựng Tôn Tương QÂ







 

Các pháp thoại của Sư Ông trên kênh youtube

Các video pháp thoại hang tuan của Sư Ông

Trang Nhà > Tu Học > Kinh Văn

Kinh Căn Bản Pháp Môn

1- KINH CĂN BẢN PHÁP MÔN
Kinh này đức Phật nói tại Ukkatthà, rừng Hạnh Phúc (Subhaga), dưới cây cổ thụ Sa la.  Kinh thuộc loại vô vấn tự thuyết.

Toàn kinh văn, đức Phật cho chúng ta thấy ba hạng “người”:
1)- VÔ VĂN PHÀM PHU:  Là những người không gần gũi, không được nghe sự chỉ dạy của các bậc thánh và không hiểu rõ các bậc thánh (không văn).   Do vì không được nghe sự chỉ dạy của các bậc thánh, nên không tư duy để thuần thục pháp của các bậc thánh (không tư); do vì không học hỏi, không tư duy nên không có sự thực hành lời dạy của các bậc thánh (không tu).  Do vì không có khả năng quán chiếu, không có khả năng tu tập, nên không hiểu được bản chất của các pháp vốn là duyên sanh nên có sự chấp trước.  Chấp trước là ôm chặt lấy.  Đinh ninh nó là như vậy không bao giờ thay đổi.  Có nhiều loại và nhiều hình thức chấp chặt khác nhau.  Có loại thì cho rằng địa đại là duy nhất, ngoài ra không có gì khác.  Do vậy họ cho rằng địa đại là Tự Ngã, hoặc không thì địa đại cũng tùy thuộc và Tự Ngã.  Có hạng thì chấp chặt vào Thủy đại, Hỏa đại, Phong đại v.v... cứ như thế cho đến các loại chúng sanh, các cõi trời, các bậc thánh, thậm chí cho đến Niết Bàn họ cũng tưởng ra một cảnh giới rồi ôm chặt lấy nó.

“Vì chấp nhận Niết Bàn là Niết Bàn, họ nghĩ đến Tự Ngã.  Đem Tự Ngã so sánh với Niết Bàn, rồi cho Tự Ngã chính là Niết Bàn.  Niết Bàn này đích thực là Ta, rồi hoan hỷ an trú trong đó”.  Đức Phật kết luận:  “Ta nói những người ấy không hiểu tý gì về Niết Bàn”.

            Trên đây là tình trạng của hạng Vô Văn Phàm Phu.  Trong khi đó, hạng thứ hai thì khác.

2)- HỮU HỌC PHÀM PHU:
Là những người mặc dù chưa đích thực giải thoát, chưa thành tựu thánh quả, nhưng đang sống trong ý hướng tầm cầu vượt thoát các phiền não trần lao để đạt sự vô thượng an tịnh của tâm linh.  Sở dĩ hạng người này được như vậy là nhờ gần gũi, học hỏi, tư duy, quán sát và tu tập theo lời dạy của các bậc thánh, nện họ thấy rõ bản chất duyên sanh của các pháp, không khởi vọng tâm tham đắm hay chấp trước; nhờ vậy mà họ tiến tu để thể nhập vào Vô Sanh.  Cho dù pháp đó là pháp Niết Bàn đi nữa, thì họ “Biết rõ Niết Bàn là Niết Bàn.  Vì biết rõ Niết Bàn là Niết, nên không nghĩ đến Niết Bàn, không nghĩ Tự Ngã là Niết Bàn, không hoan hỷ, không an trú trong đó”.  Đức Phật bảo:  “Ta nói vị đó có thể hiểu được Niết Bàn”.

3)- VÔ HỌC LA HÁN:
“ Này các Tỳ Kheo, Như Lai là bậc A-La-Hán, Chánh Đẳng Giác, biết rõ các pháp là các pháp; vì biết rõ các pháp là các pháp, nên Như Lai không bao giờ có sự hỷ lạc trong các pháp.  Hỷ lạc là căn bản của mọi sự khổ đau.  Như Lai đã tận diệt mọi tham ái, nên không hoan hỷ trong Niết Bàn.  Vì sao vậy?  Vì Như Lai biết rằng hỷ lạc là căn bản của đau khổ; từ đó khởi lên mọi sanh, già, bịnh, chết với các loại hữu tình.  Do vậy, này các Tỳ Kheo, ta nói Như Lai với sự diệt trừ tất cả tham ái, với sư ly nhiễm, với sự xả ly đã chơn chánh giác ngộ Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác”.

Xin tham khảo:
Việt tạng:  Trung Bộ Kinh I, Kinh Căn Bản Pháp Môn, tr.9; Trung A-Hàm 2, Kinh Tưởng, tr.665
Hán tạng:  ĐCI, Tưởng Kinh, tr.596/giữa
Anh tạng:  Middle Length Sayings I, Discourse on the Synopsis of Fundamentals, tr.3
Pàli tạng:  Majjhima Nikàya, Mùlapariyàya Sutta, kinh số 1